Monday, April 18, 2016

CÂU CHUYỆN CÒN DÀI (Thầy Trương Xuân Huy)






                     Câu chuyện còn dài …
Cách đây mấy hôm, tôi ghé nhà anh Dự "giao hàng" theo yêu cầu của thầy Nguyễn Đức Giang. Chuyện về anh Dự đã được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng, tuy nhiên, thấy mọi người vẫn còn quan tâm, (qua những ngân khoản tương trợ và những thăm hỏi), dựa vào chỗ đã biết hoàn cảnh của anh ấy hơn mười năm nay, tôi nghĩ có lẽ còn có đôi điều chúng ta  nên biết thêm về con người đáng thương, đáng nể, và cũng đáng yêu này.
Chừng nửa tháng trước đây, anh Dự có ghé nhà tôi chơi, mang cho một món quà đặc biệt là một bao phân bò đã phơi phóng khô khan để bón mấy cây hoa mọn trong vườn. Tôi cảm ơn và nhân tiện, chúc mừng anh vừa lên chức ông ngoại. Anh bảo rằng anh rất mừng về chuyện đó và mừng hơn nữa là ngoài việc có một nhà báo đến gặp và phỏng vấn để viết bài về anh, còn có một người từ nước ngoài gọi điện hỏi thăm và sau đó, gửi biếu một món tiền nữa. Tôi hỏi anh Dự có biết tên người đó không, anh bảo rằng anh ngại quá, nên không dám. Anh hỏi ngược lại tôi là có nên không. Tôi nhắc anh ta rằng đó là chuyện nên làm, để, ít ra, mình có cái danh tính để ghi nhớ trong lòng cái ân tình của người ta. Bây giờ đây, tôi (thày lay) thay mặt anh Dự để xin vị hảo tâm ẩn danh ấy hiểu cho cái thiếu sót của con người hồn hậu này.
Tôi rất đồng ý với nhận xét của tác giả Quỳnh Trân về tiếng cười lạc quan của anh Dự. Quả thật, trong lúc chuyện trò, ít khi thấy nụ cười tắt trên đôi môi của anh, lúc nói vể những tai hoạ liên tiếp giáng xuống trên đầu anh, cũng như khi nói về những hạnh phúc nhỏ nhoi, hiếm hoi khác. Tuy nhiên, có lẽ do tính lạc quan, hoặc do bản tính quen cam chịu, anh "quên" nói nhiều về những nỗi vất vả, cơ cực của mình. Theo tôi biết, trước đây, có giai đoạn anh Dự phải vất vả cùng cực. Một ngày khổ ải của anh không biết bắt đầu vào lúc nào, vì, nếu lấy thời điểm 05 giờ sáng làm mốc thì đó là lúc anh  vừa đánh chiếc cộ (xe) bò về đến nhà, sau một đêm coi như thức trắng đi giao gạch ở thị xã Tuy hoà. Tháo bò ra cho nghỉ, anh vào nhà, đánh thức hai đứa con gái nhỏ dậy chuẩn bị bài vở đi học, lo vệ sinh cho bà vợ bại liệt và người con trai bệnh thần kinh, lo nấu cháo, xay cháo cho hai người bệnh ăn. Lo xong bữa sáng và công việc dọn dẹp, anh bươn bả ra chợ mua thức ăn về lụi bụi lo bữa trưa. Ăn trưa xong, anh đánh cộ đến lò chất gạch sẵn để  đến tối đi giao, hoặc nếu còn thời gian, anh đi đến những lò xa, lấy thêm gạch về chất sẵn trong vườn, phòng khi mưa gió, các lò ngưng sản xuất, vẫn có gạch để đi giao. Lo cơm tối cho cả nhà xong, anh bắt đầu đánh cộ lên đường.Khởi hành lúc 08 giờ tối, anh phải vượt qua chừng 10 km để vào đến trung tâm thành phố lúc 01 giờ khuya. Anh phải chọn thời điểm khuya khoắc này để tránh bị Công an phạt về tội đưa cộ bò vào thành phố. Đến 02 giờ sáng, anh dỡ hết gạch xuống và lịch kịch đánh xe về. Vậy anh ấy có ngủ không? Có, trên xe bò, vắt vẻo trên đống gạch, hoặc chèo queo trong thùng xe khi gạch đã dỡ xuống hết. Con bò của anh khá khôn ngoan và biết “thương chủ” nên anh có thể yên tâm phó thác cho nó tự tìm đường đi  và “tranh thủ” ngủ gà ngủ gật được chốc lát. Quả thật vậy, chuyến đi,  nó đưa anh đến chiếc cầu ở ngõ vào thành phố và tự dừng lại, đợi anh thức dậy điều khiển. Chuyến về, do đã thuộc đường, nó để anh ngủ yên cho đến khi về đến ngõ, lúc 05 giờ sáng, như đã nói ở trên. Đó là một ngày của anh Dự, như cái vòng quay tròn đều đặn, không biết bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu. Cũng may, giai đoạn đen tối ấy rồi cũng đã qua, một phần nhờ vào đồng lương đi dạy của hai cô con gái cũng đã làm nhẹ đi  phần nào gánh nặng tài chánh cho người cha, phần khác, do người vợ dạo này hay lên cơn động kinh, anh không dám đi xa về đêm nữa. Con bò và chiếc cộ, anh đã bán đi để trả lại khoản nợ đã vay để mua.
Trong bài viết về anh Dự, tác giả có kể rằng hằng đêm, anh vẫn ôm vợ để chị vợ ngủ được yên giấc. Tôi định trêu anh về chuyện ấy, nhưng hoá ra, không phải như thế. Theo anh kể, vì sợ để chị vợ nằm bất động lâu quá sẽ bị lở loét ở lưng, hằng đêm, anh phải nằm ngữa ra, lót ít vải mùng tuyn trên bụng và vần bà vợ nằm úp lên, phơi cái lưng cho thoáng. Cứ thế suốt đêm. Tôi hỏi làm sao anh thở. Anh lại cười: “Da, được hết!” Cũng được mấy năm như thế rồi.
Anh Dự cũng là con người nhân hậu. Khi tai nạn xảy ra cho vợ anh, do lỗi một thanh niên cưỡi xe máy gây ra, anh không kiện cáo để đòi bồi thường, dầu vợ anh bị thương rất nặng. Anh còn xin Công an không giam giữ chiếc xe, mà trả lại cho “em nó, để em nó còn có phương tiện đi làm.” Cảm động về chuyện đó, gia đình người thanh niên mang biếu anh 5 triệu, giúp anh lo thuốc thang chữa chạy cho chị vợ được một thời gian. Sau đó, hoạ vô đơn chí, người thanh niên này tử nạn trong một tai nạn khác. Và tất nhiên, anh không nhận thêm một hỗ trợ nào khác.
Cảnh ngộ của anh Dự, cũng như tấm gương chịu đựng của anh để lo cho vợ bệnh, con bệnh, đồng thời nuôi một con trai và hai con gái nhỏ nên người làm chúng ta xúc động. Nhưng cũng may, trong cơn khốn khó, đã có khá nhiều tấm lòng vàng rộng mở, tương trợ về vật chất cũng như về tinh thần, giúp anh có nghị lực để không bỏ cuộc. Hiện nay, cuộc sống của anh Dự đã có chút đỡ vất vả hơn trước. Người con trai mạnh khoẻ của anh làm thợ lò vôi, đã có vợ, ở riêng và đã tự lo được. Hai cô con gái đã là giáo viên cấp 3, đều đã lập gia đình, cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, do đã có gia đình riêng, họ không còn đỡ đần cho anh được phần nào như trước đây và gánh nặng chăm sóc, thuốc men cho hai người bệnh trong nhà vẫn nặng chĩu trên đôi vai anh, trong lúc sức lực đã suy giảm theo tuổi tác và vì trước đây đã quá lao lực.
Trên đây, tôi đã miêu tả anh Dự như một người “đáng thương” (vì chịu bao nhiêu nghịch cảnh trong đời), “đáng nể” (vì có đủ nghị lực để đương đầu với số mệnh nghiệt ngã) và “đáng yêu” (vì quên mình lo cho gia đình, vì tính chịu đựng lạc quan, luôn vui vẻ trong mọi cảnh ngộ, và vì lòng nhân hậu). Đó cũng là hình ảnh tôi muốn các bạn  còn lưu giữ lại được về người bạn đồng môn khốn khổ này sau khi đọc xong, để chúng ta vẫn tiếp tục nghĩ đến anh ấy và có những hỗ trợ thiết thực giúp anh anh ấy đi tiếp con đường gian khổ còn dài.
                                                           Tuy Hoà, ngày 17 tháng 4 năm 2016
                                                                     Thầy Trương Xuân Huy.
                                                                                                                                                                                                                                                                                         (Viết theo gợi ý của thầy Nguyễn Đức Giang)

No comments: