Friday, May 6, 2016

TRỪNG PHẠT HỌC SINH.... (GS. Dương Đình Đống)






Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Qua những bài hồi ký trước đây của Thầy Dương Đình Đống, ai cũng biết được bản tính của Thầy là cương trực, dạy hết lương tâm, thương học trò và liêm chính công minh…

Một kỷ niệm Thầy gởi đến hôm nay: “Trừng Phạt Học Sinh… Nói Tục” Chúng ta đều trải qua tuổi học trò, nghịch phá.. nên mới có câu: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nhưng sự nghịch ngợm phải có giới hạn, và nhất là tuyệt đối không được xem thường Thầy Cô.

Nói tục là chuyện tối kỵ trong học đường, tuy nhiên cũng có những học trò đi quá trớn, và Thầy Dương Đình Đống muốn cho học trò mình phải học giỏi, thành người hữu ích trong xã hội có một tương lai sáng sủa… Sự trừng phạt làm gương cho các học sinh khác, để đem lại kết quả tốt cho học đường.

Xin mời đọc bài hồi ký của Thầy, một kỷ niệm về sự nghiêm khắc kỷ luật, và chúng ta cám ơn Thầy đã cứng rắn để rèn luyện học trò với tất cả lương tâm.

Trân trọng giới thiệu,
Thukỳ.


TRỪNG PHẠT HỌC SINH NÓI TỤC

VỚI THẦY CÔ GIÁO TẠI LỚP



Trong đời dạy học, Tôi quan niệm rất rõ hạnh kiểm của hoc sinh, có thể được xếp làm 3 loại, như cơm trong chén:



1.     Thứ nhất là loại học sinh ngoan, chăm hoc, lễ phép với Thầy Cô, tử tế với bạn bè.  Loại này được xem như cơm, ăn vào không do dự. 

2.     Thứ hai là loại  học sinh chưa ngoan, nhưng có thể hoán cải, cảm hóa được để trở thành  học sinh tốt, nhưng phải ra công dạy dỗ: Loại này được xem như thóc, có thể ăn được nhưng phải mất công “nhằn trấu”. 

3.     Thứ ba là loại học sinh mất căn bản, lười biếng, đến lớp chỉ để nghịch phá, không chịu học hành, châm chọc Thầy Cô.  Loại này không thích hợp với môi trường văn hóa phổ thông của Nhà trường, nhưng thường thích hợp với các môi trường khác như môi trường thợ thuyền, biển dã, làm nông, môi trường quân đội: Chúng có thể trở thành những thợ khéo léo, những ngư dân, nông dân rất giỏi hay những quân nhân có tài: Loại này được xem là sạn trong chén, không thể ăn đươc vì ăn vào sẽ lủng bao tử, cần phải loại bỏ.  Nhưng sạn lại có ích cho gà, bồ câu, vì chúng cần mổ vào để giúp bao tử chúng chà xát thóc, bắp, đậu mà chúng đã ăn vào.   Nói tóm lại, không có việc bỏ đi những học sinh loại sạn mà cần đưa chúng vào các môi trường thích hợp!



Vào một ngày cuối tháng 9-1972, anh Lê Ngọc Giáng, Hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ Tuy hòa mời Tôi vào văn phòng:  Anh ấy bảo nhờ Tôi phụ trách thêm môn lý hóa lớp 11B2.  Lý do là hai tuần qua đã có hai thầy cô là thầy Phạm Xuân Cầu và cô Nguyễn thị Diện phải bỏ lớp vì lớp này cố tình nói tục, xấu hổ quá không thể dạy được.  Tôi trả lời không do dự là bằng lòng nhận lớp “trời ơi” này với điều kiện là khi Tôi đuổi một vài học sinh lỗ mãng nào đó thì Nhà trường phải tiếp tay chấp thuận.  Anh Giáng vui vẻ  đồng ý và chúc Tôi hoàn thành nhiệm vụ!



Sáng hôm ấy Tôi vào lớp 11B2, thuộc dãy nhà trệt phía sau dãy lầu.  Lớp có bệ gỗ khá cao, lối 6 tấc.  Vừa đi vào lớp, trong khi cả lớp đang đứng dậy chào thầy, Tôi nghe tiếng xì xầm từ phía cuối lớp “hùm xám đó bây”.  Vì đã dạy nhiều năm tại trường, các cô chú, anh, chị của chúng từng học với Tôi, có lẽ đã nói cho chúng biết Tôi rất nghiêm khắc. Tôi chào  cả lớp và mời tất cả các em ngồi xuống.  Sau đó Tôi mở sổ điểm danh lớp. 



Lớp độ 45 học sinh, trong đó có 7 nữ, Tôi cầm phấn quay vào bảng, vừa nói vừa viết:  “Hôm nay chúng ta học bài Bảng phân hạng tuần hoàn các nguyên tố của Mendeleev”(Dmitri Ivanovich Mendeleev, nhà Hóa hoc, Thiên văn thiên tài và lịch sử khoa học Nga, 27/1/1834-1907)



Bỗng tận cuối lớp, về phía trái có tiếng nói rất lớn: “Có phải bảng phân hạng đó của “cu lông” không Thầy?”(Charles -Augustin de Coulomb, nhà Vật lý Pháp, 1736-1800) Cả lớp cười ầm lên, vài em lại còn đập tay lên bàn.  Các nữ sinh cũng che tay cười nham nhở!  Tôi nghĩ bụng lớp này thử thách Tôi quá sớm!



Tôi ngừng dạy, quay xuống lớp, nhìn thẳng vào bàn cuối.  Cả lớp hồi hộp trông đợi cách xử sự của Tôi.  Có lẽ chuyện này đã từng xảy ra và các thầy Cầu, cô Diện đã xấu hổ bỏ lớp.  Tôi nói lớn:  “Ai vừa hỏi đó, lên đây Tôi trả lời?”.  Bỗng một học sinh, có lẽ là cao to nhất lớp đứng dậy đi lên bảng, nét mặt bình thản, không có gì tỏ ra hối hận hay sơ hãi, mắt nhìn thẳng vào Tôi.  Mắt Tôi trừng trừng, có lửa, nhìn cậu  ấy như muốn thôi miên.  Tôi, khi ấy vào khoảng 45 kí lô và cao chưa đầy 1, 60m trong khi cậu ấy cao cũng gần 1,70m và nặng lối hơn 60 ki lô, nhưng Tôi có lợi thế hơn nhờ đứng trên kệ gỗ nên cao hơn cậu ta một cái ngực.  Tôi bảo cậu ấy đến rất gần Tôi.  Cậu  ấy đứng thẳng, mặt quay xuống đất.  Tôi nói lớn để cả lớp cùng nghe: “Ai nghe cậu vừa phát biểu cũng  đều hiểu đây không phải là câu hỏi để học mà là câu nói tục rất thô lỗ, cố tình chọc thầy và làm cười cho cả lớp, phá vỡ đạo đức và truyền thống nghiêm chỉnh của Nhà trường.  Tội này nghiêm trọng lắm, không thể dung thứ được.  Nói đến đó, bất thình lình Tôi dùng bàn tay mặt, với tất cả sức, tát  mạnh vào má trái của câu ta.  Mạnh đến nỗi cậu ấy bị dội lui vào bàn đầu của lớp.  Cậu ta gượng đứng lại thẳng người.  Tôi nói tiếp: “Kể từ giờ này, Tôi nhân danh trường Nguyễn Huệ đuổi cậu ra khỏi trường này, câu hãy về nhà tìm môi trường khác thích hơp cho mình như làm thợ, đi lính, làm ruộng!  Hãy mau về chỗ ngồi mang sách vở bước ra khỏi lớp”.  Cậu ta ríu ríu làm theo lệnh của Tôi rồi ra khỏi lớp.  Cả lớp khá hoảng hồn, không ngờ Tôi làm mạnh như thế! Tôi gọi Trưởng lớp bảo nói tên học sinh vừa bị Tôi đuổi: Cậu ấy tên là Dương Thiệu H! Tôi bảo học sinh mang lên  bàn cho Tôi một cây thước dài, rồi lật sổ tìm tên Dương Thiệu H, dùng viết mực đỏ gạch ngang tên ấy và chú thêm: “Bị đuổi hoc ngày …tháng 9 năm 1972” và ký tên.  Tôi đã “tiền trảm hậu tấu” đúng như cam kết của anh Giáng.  



Sau khi xếp sổ, Tôi đứng thẳng người sau bàn thầy giáo, đảo mắt nhìn khắp cả lớp, từ trai đến gái rồi dõng dạc nói: “Nào, bây giờ cả lớp đã chịu hoc chưa, còn ai muốn như H hãy đứng lên để Tôi xử lý nốt?  Tôi đã vớt con sâu ra trước khi nó có thể làm hỏng nồi canh ngon!”  Cả lớp im phăng phắc hầu hết cúi đầu xuống bàn. 



Măng uốn bằng tay, nhưng tre phải uốn bằng lửa!  Tôi trừng phạt học trò ngỗ nghịch nhưng không với lòng căm ghét.   Bề ngoài trông có vẻ thô bạo, nhưng trong thâm tâm phải là trong sáng, thông tuệ, thiện căn và đầy dũng khí!  Tôi đã thủ trọn vẹn vai kịch khó đóng hôm ấy!



Sau đó Tôi bắt đầu dạy lại.  Từ đó lớp 11B2 như có một làn gió mới, học rất ngoan và cuối năm lớp này thuộc lớp giỏi nhất khối của trường Nguyễn Huệ



Hơn một năm sau, Tôi bất ngờ gặp lại H tại nhà của học trò cũ của Tôi, anh Tịnh trước sự ngạc nhiên của Tôi, anh Tịnh vội giải thích: “Nó là rể của Tôi đấý.  Chúng nó yêu nhau, nếu không gả, khác nào giữ trái bom nổ chậm trong nhà!”



Sau này anh Tịnh vượt biên qua Mỹ đã bảo lãnh cho gia đình H theo diện ODP. 



Thật kỳ lạ: Hợp chủng quốc Hoa kỳ, chẳng những là hơp chủng về màu da mà còn như một cái túi khổng lồ không đáy, chứa đựng từ thượng vàng đến hạ cám: Từ những nhà trí thức, lương thiện đến những quân nhân võ biền, những kẻ thối nát, ăn hối lộ, chuyên buôn lậu, cướp giựt đến  những phần tử dốt nát nhà quê, biển dã.  Như một cái nồi soup vĩ đại, nước Mỹ chứa trong lòng nó từ vàng ròng, kim cương đến tất cả rác thải thối tha nhất của nhân loại…!



Dương Đình Đống

Tháng 8 năm 2013


 

No comments: